Saturday, January 8, 2011

Tướng Lào Tự Do VANG PAO,



Chiến hữu đồng minh Phục Quốc Lào-Việt.

Võ Đại Tôn

Tôi đang chờ liên lạc để gặp Tướng Vang Pao vào cuối năm 2010 hoặc đầu năm 2011 tại một địa điểm ở Đông Nam Á, thảo luận thêm về “bản lộ đồ” đã soạn thảo từ trước, nhưng hôm nay, ngày 06.1.2011, tôi bàng hoàng nhận được tin khẩn của các chiến hữu tại Hoa Kỳ trong tổ chức của chúng tôi và luôn cả điện thư từ các chiến hữu Lào Tự Do trong nhóm “Lao Family” tại Fresno, Bắc California, cho biết là Tướng Vang Pao đã từ trần vì bệnh viêm phổi kèm theo nghẹt máu cơ tim. Riêng đối với tôi, thêm một tin buồn đột ngột, làm tôi sửng sờ không dám tin thật. Tôi ngậm ngùi thắp nhang trước bàn Thờ Quốc Tổ, được thiết lập tại nhà tôi, có luôn cả bài vị để thờ cố chiến hữu Vũ Hoài - người đã hy sinh tại Hạ Lào trong chuyến về quê hương cùng tôi năm 1981 - cầu nguyện cho hương linh người Chiến Hữu Đồng Minh thân thiết của tôi vừa bỏ cuộc hành trình chống cộng chung. Tôi lại ra sân, đứng im lặng nhìn trời, tự cảm thấy mình mỗi ngày thêm nỗi cô đơn và quỹ thời gian riêng không còn dài trước mặt. Bao nhiêu kỷ niệm thân tình giữa Tướng Vang Pao và tôi lại hiện về rõ nét, biết san sẻ cùng ai ?

Lần đầu tiên tôi gặp Tướng Vang Pao là vào tháng 6 năm 1979 tại Los Angeles, sau khi tôi từ Úc sang Hoa Kỳ thành lập cơ sở đầu tiên của Chí Nguyện Đoàn Hải Ngoại Phục Quốc tại Bắc Mỹ và Âu Châu. Tại Úc, tôi đã thành lập xong Liên Minh Hải Ngoại Phục Quốc, đơn vị  Úc Châu-Tân Tây Lan, và sau này, trước khi tôi lên đường về lại quê hương vào năm 1981 thì đổi danh xưng thành Lực Lược Dân Quân Yểm Trợ Phục Quốc Việt Nam. Với sự hiện diện của các chiến hữu Trung Ương của Chí nguyện Đoàn, như chiến hữu Ủy Viên Chính Trị Phạm Trúc Việt (bí danh), chiến hữu Đinh Văn Ngọc, Ủy Viên Liên Lạc, và chiến hữu Nguyễn Quyết Thắng (bí danh), Ủy Viên Kế Hoạch... chúng tôi đã nhiều lần họp riêng với Tướng Vang Pao và phái đoàn Lào Tự Do, có Đại Tá Lào Khâm Sỹ và ông Samrach Kong, người Cao Miên, thông thạo tiếng Việt, cố vấn chính trị của Vang Pao. Vì nhu cầu công tác đặc biệt, tôi đã ở lại Hoa Kỳ mấy tháng để bàn thảo với Phái Đoàn Lào Tự Do và Mặt Trận Kháng Chiến Phục Quốc Lào. Các buổi họp mật được thường xuyên thay đổi địa điểm, có khi ở Montana là nơi định cư của sắc tộc Hmong, hoặc nhiều nơi khác tại California. Người con trai lớn của Tướng Vang Pao, đang theo học tại trường Sĩ Quan West Point, đôi khi cũng có mặt. Chúng tôi đã đồng soạn thảo văn bản liên kết Đồng Minh Phục Quốc Lào Việt, với nhiều thỏa ước căn bản Mật Kín và đã được Tướng Vang Pao cùng cá nhân tôi ký kết trong một buỗi lễ tại tư gia của Tướng Vang Pao. Văn bản này hiện nay tôi vẫn còn lưu giữ làm tài liệu riêng của tổ chức chúng tôi. Từ những công tác liên kết, sau thời gian hội họp và sống chung với nhau, Tướng Vang Pao và tôi đã kết nghĩa Huynh Đệ theo phong tục cổ truyền của sắc tộc Hmong. Tôi nhỏ hơn Vang Pao mấy tuổi, nhận làm em, kể từ ngày đó. Ít ai biết được việc riêng này giữa chúng tôi, và hôm nay thì Người Anh kết nghĩa của tôi đã đi vào cõi vĩnh hằng, trở lại với rừng xanh Xiêng Khoảng, Bắc Lào... 81 tuổi đời với biết bao thăng trầm theo mệnh Nước.

Năm 1980, từ Úc tôi qua lại Hoa Kỳ và đi Âu Châu, phát động chiến dịch Người Về. Tại Los Angeles, chúng tôi tổ chức một buổi thuyết trình long trọng trong hội trường rạp hát Eden, có sự hiện diện của Tướng Vang Pao và phái đoàn Lào Tự Do từ các tiểu bang khắp Hoa Kỳ về tham dự. Có phụ diễn văn nghệ do nghệ sĩ Ngọc Phu làm MC và ca sĩ Thanh Thúy cùng nhiều anh chị em ca nhạc sĩ khác phụ giúp, hát toàn những ca khúc về Quê Hương và Đấu Tranh chống cộng. Phần trọng thể nhất trong buỗi lễ này là phần tôi tuyên đọc bản Tuyên Ngôn Phục Quốc và cắt máu ăn thề trước Bàn Thờ Tổ Quốc. Máu từ ngón tay tôi chảy vào ly rượu, được nhiều thanh niên ào lên sân khấu cùng uống trong bầu không khí vừa trang nghiêm vừa xúc động lòng người. Tướng Vang Pao đã đọc diễn văn tuyên bố sự kết hợp Đồng Minh Lào Việt trong công cuộc Phục Quốc tại Đông Dương (Việt-Miên-Lào). Đây là buổi lễ Phục Quốc long trọng nhất và xúc động nhất, lần đầu tiên được tổ chức tại hải ngoại, sau 5 năm người Việt tỵ nạn lìa xa Tổ Quốc. Tướng Vang Pao và tôi đã ôm nhau trước sự hò reo vui mừng cổ võ của đồng hương Việt Lào ngồi và đứng chật rạp hát, tiếng vỗ tay kéo dài không muốn dứt. Nhiều bạn trẻ đã ôm tôi khóc, tình yêu Quê Hương cội nguồn dâng lên như sóng cuộn. Sau đó, Tướng Vang Pao và chúng tôi lại họp bàn thêm nhiều việc để chuẩn bị “Lên Đường”. Buổi lễ này chỉ là phần phát động Chiến Dịch Dựng Lại Niềm Tin, kết hợp Đồng Minh Kháng Chiến, thổi bùng lên ngọn lửa Phục Quốc đầu tiên trong lòng đồng hương hải ngoại. Không có ai trong chúng tôi ấu trĩ về chính trị và tình báo để tuyên bố về địa bàn hoạt động cũng như thời gian thực hiện kế hoạch. Ngay cả trong số đoàn viên của hai tổ chức Chí Nguyện Đoàn và Lực Lượng Dân Quân Yểm Trợ Phục Quốc của chúng tôi lúc bấy giờ, nếu không có công tác mật được giao phó thì cũng chẳng hề biết. Thế mà, (sau này tôi được biết) khi tôi bị sa cơ tại biên giới Lào Việt trong một tai nạn bất ngờ, thì Việt Cộng đã rêu rao tuyên truyền đủ chuyện và một số kẻ ác ý trong cộng đồng hải ngoại đã đàm tiếu xuyên tạc là chúng tôi đã bị kẻ địch cấy gián điệp nằm vùng, đã tuyên bố trước đường đi nước bước cho nên mới bị sập bẫy và bị thộp cổ. Tôi đã mỉm cười với rừng xanh, vì cho đến bây giờ và cho đến giây phút tôi nhắm mắt lìa đời, chỉ một mình tôi biết thời gian xuất phát và phương hướng đi về.

Tướng Vang Pao đã biệt phái Đại Tá Khâm-Sỹ (Kháng Chiến Lào Tự Do) tháp tùng tôi (và hai chiến hữu) từ Thái Lan vào sống trong mật khu Lào Tự Do tại vùng biên giới Đông Bắc Thái Lào suốt gần 1 năm trời để âm thầm chuẩn bị ngày giờ “lên đường” về lại quê hương. Chuyến đi chỉ với mục đích liên lạc với anh em Phục Quốc trong nước, lúc bấy giờ, do sự liên hệ đặc biệt và mật kín giữa tôi với Mặt Trận Liên Tôn Phục Quốc (quốc nội) do Linh Mục Nguyễn Văn Vàng lãnh đạo, nhằm thực hiện nhiều kế hoạch khác trong tương lai giữa hải ngoại và quốc nội, thời điểm thập niên 80. Tướng Vang Pao lại đặc phái một Đại úy biệt kích dù Lào, thông thạo Pháp ngữ, tên là Vang-Tày làm sĩ quan tùy viên và liên lạc cho tôi suốt thời gian chúng tôi sống ở mật khu Lào. Tại đây, chúng tôi đã tuyển chọn được một trung đội Kháng Chiến Lào tình nguyện đi theo tôi về biên giới Việt, bảo vệ an ninh và dẫn đường. Chuyện trở về của chúng tôi không nằm trong bài viết này, tôi đã viết lại chi tiết trong hồi ký Tắm Máu Đen, xuất bản tại hải ngoại (1992 và tái bản 2000). Tôi chỉ muốn ghi lại thâm tình của Tướng Vang Pao đối với chúng tôi trong Lý Tưởng chống cộng chung vì Tự Do Dân Chủ cho cả hai quê hương Lào Việt, tình chiến hữu đồng minh thực sự là anh em ruột thịt, sẵn sàng chia sẻ máu xương cho nhau. Từ mật khu kháng chiến Lào, tôi cũng có lần ra lại Bangkok để họp bàn thêm nhiều công tác mật với Tướng Phoumi Nosavan và các sĩ quan cao cấp trong Lực Lượng Kháng Chiến Lào Tự Do, do Tướng Vang Pao đặc biệt giới thiệu.

Tại mật khu Đông Bắc Thái-Lào, tôi thường xuyên liên lạc qua đường dây riêng với Tướng Vang Pao và các chiến hữu đặc trách công tác mật của tôi tại hải ngoại. Vào tháng 5.1981, tôi nhận được thư từ liên lạc từ hải ngoại gửi vào, trong đó có tờ báo Christian Science Monitor viết về một Liên Minh Đông Dương Chống Cộng Sản Việt Nam giữa bác sĩ Phan Quang Đán – Vang Pao – Sihanouk. Bài báo đề ngày 18.5.1981. Đây là tờ báo có thế lực chính trị mạnh ở Hoa Thịnh Đốn và không phải chỉ bán ở Hoa Kỳ. Các giới chính trị quốc tế thường theo dõi tin tức quan trọng đăng trên báo này. Bài báo cũng có đăng kèm bản văn gọi là Nhận Định của Tướng Vang Pao và BS Phan Quang Đán về Thái Tử Sihanouk, và kêu gọi thành lập một Liên Minh Đông Dương chống cộng, thành lập Mặt Trận Kháng Chiến Phục Quốc Đông Dương (Việt-Miên-Lào). Theo bài báo này cho biết, trong ba nhân vật lãnh đạo này, (lúc bấy giờ - 1981), chỉ có Tướng Vang Pao là một tướng lãnh Đông Dương duy nhất được người Mỹ ủng hộ. Tuy sống lưu vong ở Hoa Kỳ, song Vang Pao vẫn là người lãnh đạo một lực lượng Kháng Chiến Lào hùng mạnh nhất, với thành phần người sắc tộc Hmong của ông ta trên 10 tiểu đoàn với đầy đủ vũ trang. Tại Thái Lan có khoảng 40.000 người Hmong không chịu đi định cư ở một đệ tam quốc gia. Họ tuyên bố ở lại, chịu sống gian khổ trong các mật khu giữa rừng xanh, chờ lệnh Tướng Vang Pao để quay trở về nước chiến đấu. Về BS Phan Quang Đán, không phải là nhà quân sự, nhiều năm qua chỉ hoạt động xã hội, không nghe nói đến các hành động Phục Quốc, tuy từ thời Đệ Nhất đến Đệ Nhị Cộng Hòa tại miền Nam vẫn là nhân vật được Mỹ tín nhiệm. Tướng Vang Pao sống tại Montana, còn BS Đán thì ở tại một đảo chứ không phải trên đất liền Hoa Kỳ. Còn Thái Tử Sihanouk thì luôn thay đổi lập trường, khi thì thân Mỹ lúc thì sang sống ở Bắc Kinh. Cho đến khi tôi lên đường xâm nhập lần thứ hai vào cuối năm 1981 thì tôi không biết Liên Minh Đông Dương này có được chính thức thành lập hay không ? Trước khi lên đường, tôi có gửi về cho chiến hữu Phạm Trúc Việt và Tướng Vang Pao một số hình ảnh chúng tôi chụp tại mật khu Lào Tự Do, và trên đoạn đường đến bờ sông Mekong, Hạ Lào. Hiện nay, anh em chúng tôi vẫn còn giữ những bức hình kỷ niệm này. Trên đường xuyên Hạ Lào về đến biên giới Việt Nam, mỗi khi chúng tôi vào được một xóm làng hẻo lánh nhưng an toàn nào trong rừng sâu, những “già làng” người Lào khi biết được tôi là “anh em kết nghĩa” của Tướng Vang Pao thì họ hết lòng che chở và tiếp tế lương thực. Tên tuổi của Tướng Vang Pao thực sự là nguồn sống của những dân Lào chân chất này, ngay giữa những khu rừng heo hút.

Sau hơn 10 năm bị giam cầm tại Hà Nội, khi được tự do và về lại Úc vào ngày 10.12.1991 (Ngày Quốc Tế Nhân Quyền) nhờ áp lực quốc tê và sự can thiệp của chính phủ Úc, tôi qua Hoa Kỳ, Canada và Âu Châu để gặp lại đồng hương và chiến hữu, trong thời gian hơn 3 tháng. Tướng Vang Pao và cộng đồng Lào Tự Do cùng sắc tộc Hmong đã tổ chức một buổi lễ đón mừng tôi rất trọng thể, theo phong tục cổ truyền của người Lào và Hmong dành cho thượng khách, tại Fresno, miền Bắc Cali. Hơn 1000 cán bộ trong cộng đồng “Lao Family” và các chiến sĩ Phục Quốc Lào Tự Do từ khắp nơi tụ về, vui mừng họp mặt. Buổi lễ thật cảm động, có luôn cả lể cầu an cho tôi theo phong tục của người Hmong, với dàn thiếu nữ mặc y phục sắc tộc đủ màu sặc sỡ, trao hoa và quấn những sợi chỉ màu đầy hai cánh tay áo của tôi. Tướng Vang Pao đã phát biểu, xúc dộng nói là được đón tiếp tôi như từ cõi chết trở về, đón tiếp một chiến hữu trung kiên, một người em thân tình. Những dòng nước mắt Lào-Việt chảy ra, cùng chung Lý Tưởng Phục Quốc. Từ đó đến nay, chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau, tiếp tục thảo luận nhiều việc chung.

Đến năm 2007, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ ra lệnh bắt giam, và sau đó quản thúc tại gia, Tướng Vang Pao và 8 người khác, vì tội : “ – âm mưu gây quỹ và âm mưu chuyển ngân bất hợp pháp, âm mưu mua vũ khí lậu, âm mưu lật đổ nhà cầm quyền cộng sản Lào bằng lực lượng vũ trang và bạo động, âm mưu ám sát các nhà lãnh đạo cộng sản Lào, gây bất an trong khu vực...” –
Tuy nhiên, trong lúc bị tòa án liên bang Hoa Kỳ truy tố những tội danh như vậy, Tướng Vang Pao vẫn được cộng đồng Hmong tại Fresno (California), tại St. Paul  (Minnesota) và những nơi khác, kính trọng như một vị anh hùng, được chào đón như thượng khách tại các buổi lễ cổ truyền Hmong và Lào Tự Do. Nhiều cuộc biểu tình đã được tổ chức nhằm bảo vệ và bênh vực cho lãnh tụ được coi là “huyền thoại”, thần tượng của họ. Sau đó, vào năm 2009, những cáo trạng về Tướng Vang Pao đã bị hủy bỏ sau khi các nhà điều tra liên bang đã ra sức dịch thuật 30 (ba mươi) ngàn trang tài liệu, một công việc tốn rất nhiều thời gian. Tướng Vang Pao đã được tuyên bố trắng án.

Nhớ lại vào những năm này, khi hay tin Tướng Vang Pao bị bắt và bị truy tố ra tòa ở Hoa Kỳ, tôi đã liên lạc với các chiến hữu Lào Tự Do để theo dõi tin tức. Có một hôm, tôi gặp một vài người Việt quen trong một quán cà phê đang ngồi bàn tán về vụ án này. Có một anh (tôi không quen biết) đã oang oang bình luận : - “Tên tướng Mèo “Vàng Páo” này đi buôn thuốc phiện lậu ở Khu Tam Giác Vàng ở Lào về Mỹ bán, bị bắt quả tang, chứ có kháng chiến phục quốc cái con mẹ gì ! Tôi biết rõ mà !”... Tôi từ tốn hỏi anh ta : “Anh có biết ông Vang Pao không và có gặp lần nào chưa ?” . Anh ta trả lời “Không biết, nhưng cần gì biết, suy đoán ra cũng biết mà !”. Tôi im lặng thở dài, không muốn đôi co làm gì, vô ích. Lại thêm một đàm tiếu, trà dư tửu hậu bên đường. Sau đó, tôi có qua lại Hoa Kỳ để công tác tổ chức, đến Sacramento thăm một người bạn Kháng Chiến Lào Tự Do, và kể lại mẫu chuyện vui này cho ông ta nghe. Ông ta cười xòa, lắc đầu, rồi nói : “Ngay trong cộng đồng Lào của chúng tôi cũng thiếu gì chuyện đó. Bọn ganh ghét, tay sai Lào Cộng đã bôi nhọ ông Tướng của chúng tôi từ mấy chục năm nay rồi”. Ông ta có cho tôi một vài tài liệu về vụ án của Tướng Vang Pao và cho tôi thêm một cuốn sách nhỏ bằng chữ Pháp, trong đó có câu chuyện về “Luật đối xử với xe đổ rác”. Tôi đọc rồi quên đi vì còn biết bao việc khác phải làm.

Gần đây, trong mấy ngày vừa qua, cá nhân tôi và tổ chức của anh em chúng tôi bị một kẻ mạo danh người khác ngụy tạo điện thư loan truyền trên mạng lưới vi tính qua một vài diễn đàn, nói tôi đã sống an nhàn và đã quên tình chiến hữu, quên bạn đồng đội đã hy sinh trong chuyến về lại quê hương phục quốc của tôi, quên chiến hữu còn kẹt lại trong nước, cùng nhiều chuyện bịa đặt khác, nhằm mục đích mạ lỵ vô cớ chúng tôi. Chúng tôi im lặng vì không lẽ những gì thuộc về “nội bộ” tổ chức của chúng tôi cũng phải đánh trống thổi kèn trình làng công khai hay sao ? Bất cứ một tổ chức đấu tranh nào, dù lớn hay nhỏ, cũng có những nguyên tắc bảo mật vì an toàn của đoàn viên và kế hoạch thuộc tổ chức.  Có một thân hữu đọc được và gửi cho tôi cũng mẫu chuyện nói trên, đã được dịch ra tiếng Việt.
Một trùng hợp lý thú.

Sáng nay, khi tôi ngậm ngùi nhìn trời và tưởng nhớ đến Tướng Vang Pao, người chiến hữu đồng minh, người Anh kết nghĩa của tôi, vừa vĩnh viễn ra đi, cũng đã chịu nhiều oan khiên trong cuộc đời, tôi chợt nhớ đến câu chuyện “Xe đổ rác” này. Xin chép lại, để tưởng niệm Tướng Vang Pao, để tặng những ai là “nạn nhân” của những đàm tiếu, xuyên tạc, mạ lỵ trong cuộc sống, và để tặng cho tôi đọc thêm lần nữa :

Tác giả DAVID J. POLLAY : - Luật cư xử với xe đổ rác.
“Một hôm, tôi nhảy lên được một chiếc xe tắc-xi để vội vã đến sân bay.Xe chúng tôi đang chạy bên băng (lane) phải, thì có một chiếc xe đen thui bỗng từ bãi đậu chồm ra ngay trước mui xe.Bác tài xế tắc-xi của tôi bằng đạp thắng, xe lết đi, và chỉ thoát đụng phải chiếc xe kia trong gang tấc.
Người tài xế kia gân cổ lên nhìn chúng tôi rồi cất tiếng chửi bới thô tục. Bác tài xế của tôi chỉ mĩm cười và còn vẫy tay chào gã kia. Thấy thế, tôi bèn hỏi tại sao bác ta lại xử sự như vậy ?. Tên kia suýt chút nữa đã làm tan nát chiếc xe của bác và đưa cả hai chúng tôi vào nhà thương. Và đây là lúc bác tắc-xi đã dạy cho tôi một bài học mà tôi gọi là “Luật cư xử với chiếc xe đổ rác”.
Bác tài giải thích rằng : Trên đời này không thiếu gì những người chẳng khác gì... những xe đổ rác ! Họ chạy lông nhông ngoài đường, thân mình đầy rác rưởi, tâm hồn tràn ngập thất vọng, tức giận, và bất mãn với đời. Rác rưởi   
càng chồng chất thì họ lại càng muốn tìm được nơi nào trút bỏ, và đôi khi họ nhằm ngay chính bạn để trút đống rác đó.Vậy thì tại sao bạn phải chuốc lấy đống rác này nhỉ ? Tại sao không chỉ mỉm cười, vẫy tay chào họ, chúc họ khỏi bệnh, rồi tiếp tục con đường mình đi. Nhớ đừng lấy cọng rác nào của họ để rãy lênmình bạn, lên những người khác nơi mình làm việc, trong gia đình mình, hay cho những người mình gặp trên đường phố.
Điểm then chốt cần nhớ là những con người thành công đều là những người không để cho rác rưởi xen vào chiếm đoạt một ngày của đời mình. Cuộc sống vốn ngắn ngủi, thì cớ sao sau một giấc ngủ dậy, lại phải vấn vương vì một dống rác nào đó không phải do mình đổ tháo ra. Hãy thương yêu những kẻ đã đối xử đẹp với ta và hãy cầu Trời tha thứ cho những kẻ đã xử tệ với ta. Cuộc sống này chẳng qua chỉ có 10% là do bạn gây ra, và còn lại 90% là tùy xem bạn đối phó với nó như thế nào”.

Tướng Vang Pao, 81 năm một đời, đã xuất thân từ một thiếu niên du kích chống Nhật trên đất Lào. 35 năm kháng chiến phục quốc Lào, bị chế độ cộng sản Lào tuyên án tử hình khiếm diện từ năm 1975. Bị chính tòa án liên bang Hoa Kỳ truy tố về âm mưu khủng bố nhằm lật đổ cộng sản tại Đông Dương, rồi trắng án. Bị nhiều kẻ dèm pha bôi nhọ là “Vua Mèo buôn thuốc phiện lậu”. Nhưng, đối với sắc tộc Hmong của ông ta và đối với những người Lào Tự Do chân chính thì tên tuổi Vang Pao đã đi vào “huyền thoại kháng chiến Lào chống cộng”, một lãnh tụ thần tượng không thể thay thế, ngay cả đến những “già làng” trong rừng sâu cũng nghĩ như vậy và mong chờ ngày Phục Quốc Lào thành công.

Bây giờ thì Tướng Vang Pao đang đi vào cõi Vô Cùng, an nhàn thanh thoát, và không cần phải tránh những chiếc xe đổ rác bên đường. Tôi thầm cầu nguyện cho người Chiến Hữu Đồng Minh này, cũng là người Anh kết nghĩa của tôi, và tôi cũng thắp nhang cầu nguyện cho những người Kháng Chiến Phục Quốc Việt Nam chân chính, những người đã hy sinh trong rừng sâu Hạ Lào, trong lao tù cộng sản, và tôi cũng tự cầu nguyện cho tôi giữ lòng son sắt thủy chung cùng Quê Hương Dân Tộc Tự Do và Tự Chủ.

Võ Đại Tôn
07.1.2011 - Hải Ngoại.

Hình chụp tại Mật Khu Kháng Chiến Lào Tự Do của Tướng Vang Pao (1981). Đông Bắc Thái-Lào. Người đội mũ bê-rê đứng dưới quốc kỳ VNCH là đại tá Khâm Sỹ, Lào Tự Do, và tác giả (VĐT) đội mũ đứng dưới quốc kỳ Lào Tự Do. Chụp với trung đội Kháng Chiến Lào, tháp tùng bảo vệ an
Ninh và dẫn đường về biên giới Lào-Việt.

Tướng Vang Pao (cà vạt đỏ) và cộng đồng Lào-Hmong Tự Do đón tiếp tác giả (VĐT - cầm bó  hoa) tại Fresno, California, 1992, theo lễ cổ truyền của Lào và sắc tộc Hmong, sau khi tác giả ra khỏi ngục tù cộng sản Hà Nội.



No comments: